Thứ Năm, ngày 15/06/2023, 23:46

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo vệ an ninh quốc gia trong thời kỳ mới

NGUYỄN VĂN NGHĨA
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - An ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia là vấn đề hệ trọng của mỗi quốc gia, dân tộc. Hiện nay, Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức trong lĩnh vực an ninh quốc gia, trong đó có cả những vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Công tác bảo vệ an ninh quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, nhất là trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Bài viết khái quát quan điểm của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia, thực tiễn về bảo vệ an ninh quốc gia và đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trong thời kỳ mới.

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: https://www.quanlynhanuoc.vn/)

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã dự báo “... các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta...”[2, tr.108]. Thực tiễn đó đã cho thấy, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong thời kỳ mới, tất yếu phải tăng cường quốc phòng, an ninh, chủ động ngăn ngừa, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Vì vậy, trong thời kỳ mới, nghiên cứu quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG) có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ ANQG, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong mọi tình huống.

1. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo vệ an ninh quốc gia

Qua hơn 35 năm đổi mới và trên cơ sở tổng kết 20 năm (1998 - 2018) thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh quốc gia cho thấy, Đảng, Nhà nước Việt Nam đổi mới tư duy, nhận thức đến thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ ANQG, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, sự lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN; đẩy mạnh phát triển kinh tế; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới; tạo lập môi trường quốc tế thuận lợi, mở rộng quan hệ đối ngoại; tăng cường thế và lực cho đất nước. Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình thế giới, khu vực và trong nước, Đảng đã đề ra các chủ trương, giải pháp đúng đắn, huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước; đồng thời, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè và các lực lượng tiến bộ trên thế giới, nhằm bảo vệ vững chắc ANQG trước mọi biến động của tình hình chính trị, an ninh trên thế giới. Đảng, Nhà nước cũng kiên trì quan điểm phát huy sức mạnh bảo vệ ANQG của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị; chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong bảo vệ ANQG; gắn nhiệm vụ quốc phòng với nhiệm vụ an ninh, kết hợp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân, với kinh tế, đối ngoại, tạo thành thế trận tổng hợp của cả nước, chủ động ứng phó kịp thời với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Kịp thời ngăn chặn, dập tắt các vụ gây rối, bạo loạn chính trị, vô hiệu hóa hoạt động của các đối tượng phản động trong và ngoài nước lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền để gây mất ổn định; không để bên ngoài lấy cớ can thiệp; đấu tranh ngăn chặn hoạt động của số phần tử cơ hội chính trị, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập dưới mọi hình thức; đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm giữ vững an ninh trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, đối ngoại thực hiện tốt công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh...

Tuy nhiên, việc kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên một số lĩnh vực, địa bàn chưa thực sự nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả. Một số địa phương còn để xảy ra hiện tượng người nước ngoài đứng sau các nhà đầu tư Việt Nam để đầu tư vào các khu vực trọng yếu, địa bàn chiến lược ảnh hưởng không tốt đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn của khu vực; đầu tư xây dựng khu vực phòng thủ một số địa phương chưa tương xứng; công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng còn hạn chế, khó khăn. Tình trạng di dân tự phát, tội phạm, tệ nạn xã hội, an ninh, trật tự ở một số địa bàn có thời điểm chưa được kiểm soát, quản lý chặt chẽ. Một số vụ việc chưa được phát hiện kịp thời; xử lý, giải quyết ở giai đoạn đầu có nơi còn lúng túng. Tình hình tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy có vũ trang diễn biến phức tạp; phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn có lúc, có nơi chưa kịp thời, còn để xảy ra nhiều vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng. Hội nhập quốc tế chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả tổng hợp chưa cao, năng lực hội nhập quốc tế chậm cải thiện; chưa khai thác hết và phát huy hiệu quả các quan hệ lợi ích đan xen, ổn định với các đối tác quan trọng...

Căn cứ thực tiễn tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đồng thời, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ ANQG trong thời kỳ mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra quan điểm chỉ đạo về bảo vệ ANQG trong thời kỳ mới, đó là:

Thứ nhất, ANQG là sự vững mạnh, trường tồn của Đảng, sự ổn định, phát triển bền vững về mọi mặt của đất nước, chế độ XHCN và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; là sự ổn định về chính trị, về biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia và an ninh, an toàn xã hội.

Thứ hai, công tác bảo vệ ANQG phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của các cấp, các ngành; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chịu trách nhiệm chính và trước hết trong xử lý vấn đề an ninh ở lĩnh vực, địa phương mình.

Thứ ba, bảo vệ ANQG là tổng thể các biện pháp xây dựng, củng cố tiềm lực ANQG; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại các hoạt động xâm phạm ANQG; loại trừ các nguy cơ đe dọa ANQG. Giữ vững ANQG vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để phát triển bền vững trên phạm vi cả nước, ở từng địa phương và từng lĩnh vực.

Thứ tư, chủ động tiến công, tích cực phòng ngừa; lấy phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào dân, yêu dân là nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp bảo vệ ANQG.

Thứ năm, bảo vệ an ninh kinh tế là bảo vệ ANQG. Kết hợp chặt chẽ giữa bảo vệ ANQG với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chủ trương, chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển và trong từng đề án, dự án cụ thể.

Thứ sáu, chủ động tích cực hội nhập quốc tế về an ninh phù hợp với tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ ANQG nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc, tích cực góp phần khẳng định và củng cố các nguyên tắc cơ bản và phổ quát của quan hệ quốc tế nêu trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.

Thứ bảy, nhận diện, xử lý đúng và vận dụng sáng tạo quan điểm về đối tượng, đối tác của Đảng và Nhà nước trong bảo vệ ANQG.

2. Một số giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện có hiệu quả quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo vệ an ninh quốc gia trong thời kỳ mới

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia

Cần tập trung hoàn thiện cơ chế thực hiện phương thức Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với sự nghiệp bảo vệ ANQG. Xác định rõ vị trí, chức năng, mối quan hệ, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Đảng ủy Công an Trung ương với ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng công an nhân dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp hàng năm xây dựng kế hoạch, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh quốc gia. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những nhân tố có thể dẫn đến mất an ninh, trật tự, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước... của các tổ chức, cá nhân.

Tiếp tục thể chế hóa đường lối bảo vệ ANQG của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp 2013 về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN theo hướng tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước trong thi hành các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Thực hiện nghiêm, có hiệu quả Nghị định số 03/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.

Hai là, nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, trách nhiệm của người đứng đầu và toàn xã hội đối với các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia

Thông qua hệ thống truyền thông Trung ương và địa phương thực hiện chương trình giáo dục các kiến thức cơ bản về bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ an ninh mạng; quy định của Hiến pháp, pháp luật về ANQG và trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ an ninh, trật tự của mỗi công dân; âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm. Quá trình triển khai các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội có phạm vi tác động rộng lớn hoặc xây dựng các dự án luật không rõ ràng, cụ thể có thể dẫn đến các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự, cần phải được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định; đồng thời phải có phương án tuyên truyền, định hướng báo chí, định hướng dư luận để tạo đồng thuận trong nhân dân, không để kẻ địch, phần tử xấu lợi dụng chống phá. Xây dựng cơ chế huy động lực lượng cộng tác viên, dư luận viên không gian mạng, kết hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh mạng, lực lượng tác chiến không gian mạng trong bảo vệ chủ quyền, lợi ích, ANQG và trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thường xuyên tổ chức quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên về tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh, trật tự đối với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; bảo đảm việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển sản xuất, kinh doanh với bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống vi phạm, tội phạm.

Ba là, xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, kết hợp chặt chẽ với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc; thiết lập thế trận an ninh liên hoàn

Tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, có chủ trương, giải pháp giúp nhân dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm sự chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở. Tổ chức hướng dẫn, động viên, khích lệ nhân dân tích cực tham gia xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, nhà trường... an toàn, an ninh, trật tự. Từng bước xây dựng, củng cố lực lượng trị an cơ sở. Hoàn thiện chế độ, chính sách đặc thù đối với cán bộ kiêm nhiệm và những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đa dạng hóa các hình thức tập hợp, động viên, khích lệ người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ ANQG; chủ động đấu tranh với các biểu hiện đi ngược lại lợi ích quốc gia - dân tộc; phá hoại quan hệ giữa các nước với Việt Nam và gây chia rẽ cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Bốn là, sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống

Nghiên cứu, xây dựng, đưa vào áp dụng bộ chỉ số an ninh, an sinh, an toàn quốc gia nhằm bảo đảm phát triển bền vững. Thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh và tổ chức luyện tập, diễn tập các phương án bảo vệ ANQG, bảo đảm hiệu quả, khả thi, sát thực tế. Xây dựng, hoàn thiện các đề án bảo đảm an ninh, trật tự trước các diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo. Tăng cường hợp tác có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm với cơ chế phù hợp với các nước, các tổ chức quốc tế trong việc ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là về đào tạo, huấn luyện, diễn tập, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, hỗ trợ nhân đạo, phòng, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia. Chủ động phát triển công nghệ điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin và an toàn, an ninh mạng; bảo đảm làm chủ công nghệ lõi các sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin phục vụ thiết lập, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng quốc gia và hệ thống thông tin quan trọng về ANQG.

Năm là, tăng cường hội nhập quốc tế về an ninh

Định rõ bước đi, lộ trình trong quan hệ với các nước; tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào các cơ chế hợp tác an ninh khu vực và toàn cầu; từng bước nâng cao đan xen lợi ích về an ninh theo hướng tăng cường nhận thức chung, hợp tác về các vấn đề có chung quan tâm và lợi ích. Nâng cao hiệu quả hợp tác tình báo, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình phù hợp; hỗ trợ, tạo dựng, củng cố lòng tin giữa Việt Nam với các đối tác. Thực hiện các kế hoạch nghiệp vụ và hành động tình báo ngăn chặn “từ sớm, từ xa” của mối đe dọa an ninh. Tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, hoạt động của các cơ quan, tổ chức quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm, diễn tập chung với lực lượng chức năng của các nước. Thúc đẩy hợp tác song phương đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tăng cường hợp tác giữa các địa phương giáp biên với các địa bàn nước bạn kề cận trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh biên giới, xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Kết luận

Trong thời kỳ mới, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp cần xác định rõ việc quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả quan điểm của Đảng về bảo vệ ANQG là rất cần thiết và có ý nghĩa thiết thực, nhằm đưa Nghị quyết vào cuộc sống với tư tưởng, quyết tâm cao: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, để phát triển đất nước bền vững”[2, tr.157]. Để thực hiện tốt, có hiệu quả quan điểm của Đảng về bảo vệ ANQG trong thời kỳ mới cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, góp phần quan trọng giữ vững ANQG, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc một cách bền vững.

Tài liệu tham khảo:

[1] Báo Nhân dân (2022) số 24509, ra ngày 08/12/2022.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[3] Đại tướng, GS.TS. Tô Lâm (Chủ biên - 2021), Những điểm mới về an ninh quốc gia trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[4] Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của BCHTW khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

[5] Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 17/12/1998 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh quốc gia.

[6] Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia.

[7] Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

[8] Nghị định số 03/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.

[9] Quốc hội (2013), Hiến pháp năm 2013, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[10] Quốc hội (2004), Luật số 32/2004/QH11 ngày 03/12/2004 về An ninh quốc gia (Luật An ninh quốc gia).


Đọc thêm

Phát huy “Hào khí” Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới

Tác giả: Nguyễn Văn Nghĩa

(GDLL) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3 đến 7-5-1954) đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, góp phần đưa hội nghị Giơ-ne-vơ đến thành công; là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam. Từ “hào khí” chiến thắng Điện Biên Phủ, bài viết gợi mở những nội dung phát huy "hào khí" đó vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Tính độc đáo của nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”

Tác giả: Bùi Giang Nam

(GDLL) - Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nền đối ngoại, ngoại giao (bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân) luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng. Trên cơ sở phân tích đường lối đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đổi mới và những thành tựu đã đạt được, bài viết làm sáng tỏ tính độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam hiện nay, đó là nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”.

Thực hiện chủ trương của Đảng về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh

Tác giả: ThS Lê Quốc

(LLCT) - Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng”(1), chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Bài viết làm rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự đổi mới trong nhận thức và thực tiễn phát triển doanh nghiệp tư nhân trong thời kỳ đổi mới. Từ đó, đề xuất giải pháp phát triển các công ty và tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao trong những năm tiếp theo.

Nâng cao phúc lợi xã hội cho nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII

Tác giả: TS. Đỗ Văn Quân - ThS. Nguyễn Trọng Tuân

(TG) - Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, một trong những giải pháp để bảo đảm cho sự tiến bộ và công bằng xã hội trở thành hiện thực trên đất nước ta là thực hiện tốt phúc lợi xã hội.

Nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Tác giả: Nguyễn Mai Phương

(GDLL) - Thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi to lớn về mặt khoa học, công nghệ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Bài viết nghiên cứu về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay; Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.